Thị trường xi măng: Tiếp tục các giải pháp cân đối, bình ổn giá

 

Dự báo sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu của ngành xi măng năm 2022 có xu hướng giảm. Đặt ra yêu cầu đẩy mạnh các giải pháp phát triển bền vững, cân đối cung cầu, bình ổn giá thị trường đảm bảo nhu cầu xây dựng...

 

Sản lượng xuất khẩu có xu hướng giảm

Theo số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2022 (có sự so sánh với cùng kỳ năm 2021) từ Bộ Xây dựng, cho thấy tổng sản lượng sản xuất toàn ngành xi măng đạt 65,67 triệu tấn, trong đó Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) sản xuất 20,53 triệu tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 78,27 triệu tấn (bằng 90% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó: Tiêu thụ trong nước đạt khoảng 52 triệu tấn (tăng 5%). Riêng Vicem tiêu thụ khoảng 17,8 triệu tấn (tăng 9%).

Sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 26,36 triệu tấn (giảm khoảng 30%), bao gồm: Clinker 12,7 triệu tấn (bằng 52% so với cùng kỳ năm 2021), xi măng 13,65 triệu tấn (lại tăng 2% so với năm 2021).

Sản lượng xuất khẩu xi măng 10 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), rà soát thị phần tiêu thụ, giá bán xi măng tại các vùng miền và giá xuất khẩu thấy có sự dao động từ 1,3 triệu đồng/tấn đến khoảng 1,9 triệu đồng/tấn phụ thuộc từng chủng loại, cụ thể: Tại miền Bắc, (chiếm khoảng 36% tổng sản lượng tiêu thụ toàn quốc) có giá bán lẻ dao động từ 1,3 triệu đồng/tấn đến 1,72 triệu đồng/tấn.

Đối với miền Trung và Tây Nguyên (chiếm 28% tổng sản lượng tiêu thụ) giá có tăng nhẹ từ 1,39 triệu đồng/tấn - 1,98 triệu đồng/tấn. Trong khi giá bán lẻ từ 1,4 triệu đồng/tấn - 1,92 triệu đồng/tấn lại thuộc thị phần miền Nam (chiếm 36% tổng sản lượng tiêu thụ). Trị giá xuất khẩu ước đạt 1,20 tỷ USD, giá xi măng xuất khẩu trung bình khoảng 48 USD/tấn, giá clinker trung bình khoảng 41 USD/tấn.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua nhiều giải pháp chỉ đạo đã được Bộ phối hợp cùng Hiệp hội Xi măng Việt Nam quyết liệt triển khai để cân đối, bình ổn thị trường xi măng trong nước. Tiến hành áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ như các tận dụng nhiệt thừa khí thải trong các nhà máy xi măng để sản xuất điện. Chính việc tự túc một phần sản lượng điện này góp phần giảm thiểu tác động của việc thiếu điện.

Hay các dự án tận dụng nguồn chất thải của các ngành Công nghiệp (như tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện; hóa chất; rác thải sinh hoạt) để làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành Xi măng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường.

Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên doanh tính toán kỹ nhu cầu tiêu thụ xi măng tại khu vực miền Trung, miền Nam và các tỉnh miền núi phía Bắc để bố trí hợp lý việc vận chuyển xi măng, clinker đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là các tháng cao điểm của ngành xây dựng.

Trên cơ sở sản lượng tiêu thụ 10 tháng đầu năm, Vụ Vật liệu xây dựng đưa ra nhận định về sản lượng cả năm 2022 có xu hướng giảm so với năm 2021. Cụ thể: Tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ cả năm 2022 sẽ khoảng 94 triệu tấn (giảm khoảng 10%). Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa là khoảng 63 triệu tấn (bằng năm 2021). Các sản phẩm xi măng, clinker xuất khẩu rơi vào khoảng 31 triệu tấn (giảm 30%) và tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 1,45 tỷ USD (giảm khoảng 30%).

Tiếp tục cân đối, bình ổn giá thị trường

Dự báo trong năm 2023, với tình hình thế giới diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraina, có thể một số quốc gia sẽ khủng hoảng, suy thoái về kinh kinh tế. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu xi măng.

Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, cùng dấu hiệu dần hồi phục của thị trường bất động sản đem lại nhiều điểm sáng, tích cực cho thị trường tiêu thụ xi măng. Vụ Vật liệu xây dựng dự kiến tính toán nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2023 sẽ rơi vào khoảng 100 - 105 triệu tấn (dự kiến tăng 7 - 10% so với năm 2022); tiêu thụ nội địa khoảng 60 - 65 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 35 - 40 triệu tấn.

Với sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu này, thì với 86 dây chuyền sản xuất xi măng trên cả nước (có tổng công suất đạt 108,54 triệu tấn) hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu cho năm 2023 (cả thị trường nội địa và xuất khẩu).

Trong năm 2023 tới, xuất nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường cũng đã được Bộ Xây dựng đề xuất, cụ thể: Sẽ tiếp tục triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, việc tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất xi măng được đẩy mạnh hơn nữa; kết hợp nghiên cứu phát triển các loại xi măng bền sun phát phục vụ nhu cầu cho các dự án, công trình ven biển, hải đảo.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cân đối, bình ổn giá cho thị trường xi măng năm 2023. (Ảnh minh họa)

Bộ Xây dựng khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để giữ giá bán ổn định; đặc biệt phải có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ có các chính sách phù hợp để điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu (như điện, than, xăng, dầu) là đầu vào của ngành sản xuất xi măng.

Thời gian tới, toàn ngành xi măng phấn đấu giảm chi phí sản xuất, lưu thông để giảm giá bán, bình ổn, cân đối cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá trong năm 2023. Cam kết đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường và bình ổn giá ở mức độ hợp lý./.

Quảng cáo
VIDEO NỔI BẬT