Khó khăn bủa vây ngành vật liệu xây dựng

Chi phí nguyên liệu tăng, tiêu thụ chậm, tồn kho cao, lãi vay cao hơn… khiến doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng bị vây bủa bởi trùng trùng khó khăn.

Theo thống kê của Fiin Trade, nhóm doanh nghiệp thép từng đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2021 của khối doanh nghiệp phi tài chính, nhưng tới quý III năm nay ghi nhận tổng số lỗ hơn 4.600 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Việt Đức (mã VGS) cho biết, doanh nghiệp ngành thép đang chịu tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao. Tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động thất thường, tình trạng này đã phản ánh vào báo cáo tài chính quý III/2022 của các doanh nghiệp trong ngành. 

“Chúng tôi nhìn nhận thị trường thép trong nước quý IV/2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị trong ngành”, bà Nhi chia sẻ thêm. 

Báo cáo do Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố mới đây cũng cho thấy, trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước đó và giảm 29,4% so với cùng kỳ. 

Không riêng nhóm doanh nghiệp thép, doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói chung đang phải đối mặt với tình trạng đơn hàng trong nước và xuất khẩu giảm mạnh. Để có dòng tiền hoạt động trong lúc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn (vì ngân hàng đã cạn room), nhiều doanh nghiệp chấp nhận phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40%. 

Lãnh đạo một công ty thành viên của Tổng Công ty Viglacera cho biết, doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc thu hồi vốn. 

 

 

Cũng theo nguồn tin này, một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu. 

Giá nguyên liệu đầu vào cao, đặc biệt là giá than đang ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp xi măng, bởi than chiếm trên 60% giá thành sản xuất của ngành này. Chi phí đầu vào cao buộc nhiều doanh nghiệp phải tăng giá bán. Tính từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã phải 3 lần tăng giá bán, với mức tăng từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn. 

Ông Lê Nam Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng (Vicem) cho biết, cung - cầu mất cân đối do tình trạng dư cung lớn nên việc bán hàng rất khó khăn. 

Từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu xi măng được dự báo tiếp tục sụt giảm, do sức cầu vật liệu xây dựng sụt giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và những rào cản thương mại các nước nhập khẩu dựng lên để bảo vệ hàng hóa trong nước. Thực tế này buộc doanh nghiệp xi măng phải vất vả hơn trong công tác tìm kiếm thị trường. Kế hoạch tiêu thụ 70 triệu tấn xi măng trong năm 2022 chưa thể thành hiện thực khi 5 năm trở đây, tiêu thụ trong nước chỉ quanh ngưỡng 60 - 65 triệu tấn/năm. 

Với thị trường nội địa, tiêu thụ xi măng dự báo vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2023, do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều yếu tố bất lợi, nhiều doanh nghiệp chọn hướng cắt giảm chi phí, đồng thời ưu tiên dùng tiền trả nợ để giảm gánh nặng chi phí tài chính. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng tìm những giải pháp để giảm thiểu nguồn vốn lưu động, tối đa hóa dòng tiền thực thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh để giữ cho mình không bị mất thanh khoản./.

Nguồn: https://reatimes.vn/

Quảng cáo
VIDEO NỔI BẬT